Thuật quản trị : Loại bỏ người yếu kém

09/02/2023by myadmin0

Loại bỏ người yếu kém

Trong quản trị, việc gây ức chế nhất là sa thải một nhân viên. Sau đó là tự sa thải mình. Nếu chưa có kinh nghiệm với việc thứ nhất, bạn có thể sẽ phải trải nghiệm việc thứ hai. Nếu việc tuyển dụng

một người thiếu năng lực được cho là thể hiện sự yếu kém ở nhà quản trị, thì việc giữ người đó ở lại công ty lại càng cho thấy năng lực kém cỏi hơn. Giữ một người không phù hợp sẽ làm giảm tinh thần làm việc của các nhân viên khác. Những người khác trong công ty sẽ đi đến kết luận rằng nếu một người thiếu năng lực được trả lương và nhận được những đặc quyền như họ, thì việc cố gắng làm tốt hơn có nghĩa lý gì? Ai cũng luôn có những phán đoán nhanh nhạy về người có năng lực và người không. Ở mọi văn phòng, tất cả các nhân viên đều biết năng lực làm việc của nhau. Không ai có thể giấu giếm hay che đậy được khả năng của mình.

Đừng tàn nhẫn

Điều tàn nhẫn nhất mà bạn có thể làm với một người thiếu năng lực là giữ người đó ở lại công ty trong khi bạn thực sự muốn để họ thôi việc. Hãy giải phóng họ, để họ có thể tìm thấy công việc phù hợp hơn, nơi họ bộc lộ khả năng cũng như cống hiến cho công việc. Đó là điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể làm cho họ. Vậy, tại sao nhiều nhà quản trị lại hi sinh sự nghiệp và thậm chí cả sức khỏe tinh thần của bản thân khi tránh sa thải một người thiếu năng lực làm việc? Nhà quản trị tưởng rằng mình đang giúp đỡ người nhân viên yếu kém kia nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Anh ta chỉ đang cố gắng không chịu thừa nhận khả năng kém cỏi và sai lầm của bản thân khi tuyển dụng người đó mà thôi. Ngoài ra, nhà quản trị còn cố tự lừa dối bản thân rằng nhân viên thiếu năng lực kia sẽ thay đổi theo thời gian và trở thành một người có năng lực. Anh ta kỳ vọng sự chuyển biến ở nhân viên của mình nhưng thực tế lại là kẻ hèn nhát, không chịu thừa nhận sai sót và sửa chữa sai sót đó. Trong các cuộc phỏng vấn sau khi bị sa thải, 70% những người bị sa thải đã biết chuyện gì sắp xảy ra với mình. Câu hỏi duy nhất của họ là tại sao nhà quản trị lại mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định đó. Để một người tự nghỉ việc không phải là việc đơn giản. Ngay cả nếu anh ta làm sai, không ưa thích công việc và không hòa hợp với những người xung quanh, anh ta vẫn cần nhà quản trị đủ dũng cảm đưa anh ta thoát khỏi tình trạng khốn khổ đó.

Sa thải một cách chuyên nghiệp

Bạn sẽ sa thải một người không phù hợp với công việc như thế nào? Dưới đây là một quy trình rất đơn giản, đảm bảo mang lại hiệu quả và tránh cho bạn mọi phiền toái trong hầu hết các trường hợp.

Thứ nhất, bạn quyết định để người đó ra đi vào một thời điểm cụ thể không đổi. Bạn tự nhủ rằng: “Mình sẽ gọi cho anh ta vào 10 giờ sáng thứ Sáu, và để anh ta nghỉ việc.”

Thứ hai, khi gọi người đó vào văn phòng, hãy đóng cửa và mời họ ngồi xuống. Sau đó, bạn hãy nói một cách thận trọng rằng: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Theo tôi, công việc này không phù hợp với anh. Và sẽ tốt hơn nếu anh theo đuổi một công việc khác.”

Khi bắt đầu quy trình sa thải, đừng nhắc đến kết quả làm việc trước đó của nhân viên hay bất kỳ điều gì khác mà người đó đã hoặc chưa làm được. Mọi chuyện đã kết thúc và cũng đã quá muộn để nhắc đến những việc đó.

Thực hành kỹ thuật “đĩa xước”

Lúc này, chuyện nhân viên đó tranh luận với bạn về quyết định của bạn là việc thường thấy. Người đó có thể tỏ thái độ ngạc nhiên, choáng váng, buồn bã, khóc lóc, giận dữ, thậm chí lăng mạ và dùng đủ các chiêu trò khác nữa. Hãy nhớ rằng, quyết định của bạn chắc chắn sẽ gây ức chế cho nhân viên. Nhưng dù họ nói gì đi chăng nữa, bạn hãy giữ bình tĩnh. Hãy lắng nghe người đó với thái độ kiên nhẫn và tôn trọng, cho phép người đó chia sẻ quan điểm của họ. Sau đó, bạn hãy nhắc lại tuyên bố trước đó: “Thực tế, đây không phải là công việc phù hợp với anh và tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu anh lựa chọn một công việc khác.” Trong các chương trình đào tạo mang tính quyết đoán, người ta gọi đây là kỹ thuật “đĩa xước”. Bạn lặp đi lặp lại thông điệp, dùng đúng những từ đã dùng, bằng giọng điềm tĩnh, cho đến khi người đó từ bỏ và chấp nhận thực tế.

Có sẵn kế hoạch

Tiếp theo, bạn có thể giải thích về chuyện sẽ xảy ra sau đó. Nếu đó là

một cuộc sa thải không mấy dễ chịu, bạn sẽ muốn người đó đóng gói đồ đạc và rời khỏi văn phòng ngay lập tức. Bạn có thể để một người khác hỗ trợ anh ta thu dọn đồ đạc, nhận phần công việc bàn giao và đảm bảo anh ta sẽ không gây ra thiệt hại gì cho công ty nói chung và bạn nói riêng. Trợ cấp thôi việc là yếu tố hoàn toàn mang tính cảm tính nhưng cũng khá cần thiết. Khi bị sa thải, cảm giác đầu tiên của những nhân viên này thường là hoảng loạn. Họ sẽ lo lắng: “Mình sẽ trả tiền ăn uống, thuê nhà như thế nào đây?”

Hãy chuẩn bị sẵn gói trợ cấp thôi việc từ trước. Trừ khi hai bên đã giao kèo bằng văn bản, nếu không, luật pháp không yêu cầu bạn phải trợ cấp thôi việc dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng theo thông lệ, công ty sẽ chi trả cho nhân viên bị sa thải một tuần trợ cấp thất nghiệp cho mỗi năm người đó làm việc tại công ty. Con số nhiều hơn hay ít hơn đều tùy ở bạn và phụ thuộc vào cách người đó hành xử sau khi bị sa thải.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *