Tập trung vào kết quả chủ chốt
Kết quả chủ chốt là những thành quả quan trọng nhất trong đóng góp của bạn. Trong hoạt động quản trị, việc tập trung vào kết quả chủ chốt là chìa khóa mang lại hiệu quả, tương lai và thành công trong sự nghiệp. Có 7 kết quả chủ chốt trong công việc của nhà quản trị. Mỗi khía cạnh đều rất quan trọng nhưng tầm quan trọng đó thay đổi theo hoàn cảnh và bạn phải nhận thức được tầm quan trọng biến thiên đó nếu muốn cải thiện hiệu quả làm việc và phát huy được hết sở trường của mình ở mỗi khía cạnh.
Khách hàng rất quan trọng
Kết quả chủ chốt đầu tiên trong kinh doanh là nhu cầu khách hàng. Khách hàng có thể được cho là “mắt xích chính giúp bạn có được thành công trong sự nghiệp”. Nhà quản trị nào cũng có 3 “khách hàng” cần phục vụ để thành công. Khách hàng đầu tiên là cấp trên. Với tư cách nhà quản trị, bạn phải mang lại cho cấp trên điều họ muốn và dưới dạng thức họ yêu cầu. Miễn là cấp trên hài lòng, công việc của bạn sẽ ổn định và tương lai sẽ được bảo đảm. Khách hàng thứ hai mà bạn phải đáp ứng là khách hàng bên ngoài. Họ sử dụng những gì bạn tạo ra. Đó có thể là khách hàng ngoài thị trường, hoặc ở các phòng ban khác trong tổ chức. Để được coi là có thành tích xuất sắc, bạn phải khiến những khách hàng này hài lòng. Khách hàng thứ ba là nhân viên dưới quyền. Để phát huy tối đa năng lực của mỗi nhân viên, bạn cần khiến họ vui vẻ, tập trung và tận dụng tối đa thời gian của bản thân.
Lỗ và lãi
Kết quả chủ chốt thứ hai trong kinh doanh là các yếu tố kinh tế. Toàn bộ thành công của tổ chức được quyết định bởi những yếu tố này. Trong thực tế, các nhà quản trị không ngừng nỗ lực gia tăng doanh thu hoặc cắt giảm chi phí. Với tư cách của một nhà quản trị, bạn sẽ phải không ngừng tối đa hóa lợi nhuận trên đầu tư – nguồn vốn, thời gian và công sức – trong bất cứ hoạt động cụ thể nào.
Tập trung vào chất lượng
Kết quả chủ chốt thứ ba trong quản trị là chất lượng. Chất lượng công việc của bạn sẽ quyết định tương lai của bạn trong ngành. Với cương vị nhà điều hành, bạn phải xác lập các tiêu chuẩn hoạt động cho lĩnh vực thuộc trách nhiệm của mình, vì vậy các tiêu chuẩn chất lượng mà bạn xác lập cho sản phẩm và dịch vụ cũng như công việc của bản thân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì lý do này, bạn phải chú trọng thảo luận về chất lượng và không ngừng khuyến khích nhân viên suy nghĩ về các cách thức cải thiện chất lượng của sản phẩm để phục vụ khách hàng.
Đầu tư ít, năng suất cao
Kết quả chủ chốt thứ tư trong kinh doanh là năng suất. Những công ty thành công nhất luôn biết cách tận dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của mình. Họ đạt năng suất trên đơn vị đầu vào cao hơn đối thủ cạnh tranh. Họ không ngừng tìm kiếm những phương thức sản xuất tốt hơn, nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Tập trung gia tăng năng suất đòi hỏi các mục tiêu, kế hoạch, danh sách hoạt động thiết yếu rõ ràng và sự tập trung không ngừng nghỉ vào việc hoàn thành ngày càng nhiều việc quan trọng với thời gian ít hơn.
Đổi mới và sáng tạo
Kết quả chủ chốt thứ năm trong kinh doanh là đổi mới — phát triển sản phẩm, dịch vụ và phương thức kinh doanh mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong thị trường cạnh tranh. Đổi mới đòi hỏi bạn phải tạo ra văn hóa khuyến khích mọi người đưa ra ý tưởng mới. Những ý tưởng mới này bao gồm các phương thức làm việc mới, phương thức kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới và quá trình vận hành kinh doanh kiểu mới. Một nhà điều hành cấp cao từng cho hay: “Lợi thế cạnh tranh bền vững duy nhất của chúng tôi là khả năng học hỏi và ứng dụng ý tưởng mới nhanh hơn đối thủ.” Một trong những ví dụ điển hình về sức mạnh đổi mới là cuộc chiến đang tiếp diễn trên thị trường smartphone giữa Apple và Samsung. Năm 2007, khi Apple ra mắt iPhone, tập đoàn này nhanh chóng làm dấy nên một cuộc cách mạng trong thế giới điện thoại di động. Trong vòng một năm, Apple bán được 10 triệu sản phẩm mới với tổng biên lợi nhuận ước tính gần 50% trên mỗi đơn vị. Tại thời điểm đó, nhà sản xuất đồ điện tử tiêu dùng và máy tính xách tay Samsung đã quyết định thị trường smartphone là một lĩnh vực tuyệt vời để đổi mới và mở rộng. Trong khi phải sau gần một năm rưỡi, Apple mới tung ra các phiên bản iPhone mới, thì Samsung chào bán 3 tới 5 phiên bản smartphone mới mỗi năm. Trong vòng 5 năm, năm 2013, thị phần của iPhone giảm từ 50% xuống còn 12,9%. Trong khi đó, nhờ tốc độ đổi mới và chào bán sản phẩm mới liên tục, Samsung từ vị trí “kẻ theo sau” đã nắm giữ 69% thị phần smartphone toàn thế giới.
Phát triển nguồn nhân lực
Kết quả chủ chốt thứ sáu trong kinh doanh là phát triển con người. Bạn đầu tư bao nhiêu thời gian và tiền bạc vào việc đào tạo và phát triển những người góp phần tạo nên thành công của bạn? Theo Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Hoa Kỳ, 20% các công ty dẫn đầu về tăng trưởng và lợi nhuận đầu tư ít nhất 3% tổng doanh thu vào việc đào tạo nhân lực giúp tạo ra doanh thu đó. Theo tạp chí Human Resource Executive, các chương trình đào tạo nhân lực thường có hiệu suất rất cao, mang về cho công ty từ 10 đô-la đến khoảng 32 đô-la trên mỗi đô-la đầu tư cho đào
tạo.
Phát triển tổ chức
Kết quả chủ chốt thứ bảy trong kinh doanh là phát triển tổ chức hay quá trình tạo ra một môi trường tổ chức tích cực và hài hòa. Đó là việc làm khiến mọi người cảm thấy vui vẻ, nỗ lực hết mình với công việc, thúc đẩy họ phát huy tối đa năng lực bản thân. Không ngừng tự hỏi rằng bạn cần làm gì để có thể cải thiện từng kết quả chủ chốt kể trên: nhu cầu khách hàng, yếu tố kinh tế, chất lượng, năng suất, đổi mới, phát triển và đào tạo nhân lực, phát triển tổ chức. Đâu là 20% hoạt động mang lại 80% kết quả của bạn? Đâu là 20% vấn đề chiếm 80% căng thẳng hoặc phần việc kém hiệu quả? Đâu là 20% những việc giúp bạn tận dụng được 80% cơ hội trong lĩnh vực hoạt động của mình? Nhà quản trị xuất sắc luôn không ngừng tập trung nỗ lực vào những kết quả chủ chốt trong công việc để thành công.