Áp dụng Quy tắc số 3
Chìa khóa thành công cho quá trình phỏng vấn là Quy tắc số 3. Quy tắc này khuyên bạn nên tập trung tối thiểu vào ba ứng viên xuất sắc, phỏng vấn một người bạn đánh giá cao nhất tối thiểu ba lần ở ít nhất ba hoàn cảnh hoặc ba địa điểm khác nhau.
Khi phỏng vấn cho bất cứ vị trí nào, hãy luôn trao đổi tối thiểu với ba ứng viên. Đừng dừng lại ở người đầu tiên, dù cho ứng viên đó thể hiện xuất sắc tới mức nào trong buổi phỏng vấn đầu tiên.
Một trong những quy tắc của tôi là “ứng viên không bao giờ thể hiện tốt hơn lần phỏng vấn đầu tiên”.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, ứng viên sẽ gây ấn tượng với bạn nhiều nhất. Nếu vì nguyên nhân nào đó không tạo được ấn tượng cho bạn vào lần đầu tiên gặp gỡ thì anh ta cũng sẽ không tạo được ấn tượng cho bạn sau này.
Nếu bạn thực sự thích ứng viên đó thì hãy phỏng vấn họ ba lần: lần đầu trong văn phòng của bạn, lần thứ hai ở sảnh đón khách với một không gian khác hoặc ở quán cà phê, và lần thứ ba ở ngoài văn phòng vào giờ ăn trưa. Tôi nhận ra rằng người thể hiện tuyệt vời trong cuộc phỏng vấn đầu tiên thường bắt đầu tỏ ra giả tạo trong cuộc phỏng vấn thứ hai, và sau cuộc phỏng vấn thứ ba, bạn sẽ nhận ra họ hoàn toàn không phải là ứng viên phù hợp.
Áp dụng Quy tắc số 3 lần thứ tư là mời ít nhất ba người khác cùng phỏng vấn ứng viên. Khi là chủ của một doanh nghiệp trẻ, bạn sẽ gặp gỡ và tuyển dụng ngay tại chỗ nếu bạn thích ứng viên đó. Vì vậy, tôi đã mắc phải rất nhiều sai lầm trong tuyển dụng, và việc này đã tiêu tốn của tôi rất nhiều thời gian, tiền bạc và thậm chí là cả các vụ kiện tụng. Sau này, tôi đã quyết định không chỉ dựa vào đánh giá của bản thân. Thay vào đó, nếu tôi thích một ứng viên, tôi sẽ giới thiệu người đó với các nhân viên khác ở phòng bên cạnh, để cả hai cùng nhau trao đổi về công việc, công ty hay bất cứ chủ đề nào khác.
Nhân viên của tôi sẽ chủ động trong quá trình này, sau đó vài phút, họ sẽ dẫn ứng viên đó đến phòng ban tiếp theo để trao đổi với người khác. Thông thường, ứng viên được phỏng vấn bởi sáu hoặc bảy người trong công ty trước khi chúng tôi nói lời cảm ơn vì đã dành thời gian cho chúng tôi và hẹn sẽ liên lạc lại với họ sau đó.
Dành thời gian của bạn để phỏng vấn
Hewlett-Packard (HP) rất nổi tiếng với “quy trình phỏng vấn bảy bước”. Các nhà quản lý phỏng vấn mỗi ứng viên tối thiểu bảy lần. Bốn nhà quản lý ngành sẽ phỏng vấn ứng viên, sau đó, họ giới thiệu về vị trí của mình với ứng viên đó. Vào bước cuối của quy trình, sau khi hoàn thành vòng phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm, bốn nhà quản lý này sẽ họp với nhau và bầu chọn. Việc bầu chọn này phải được ẩn danh. Nếu một trong bốn nhà quản lý không hài lòng với ứng viên thì người đó sẽ không được nhận vào công ty.
Lý do khiến công ty cần hết sức cẩn thận trong quá trình phỏng vấn là kế hoạch tuyển dụng nhân viên làm việc trọn đời. Vì tôn chỉ này, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc và nhân viên mới ở HP thuộc hàng thấp nhất trong lĩnh vực công nghệ cao suốt nhiều năm liền. (Năm 2015, HP công bố tổng số 84 nghìn nhân viên nghỉ việc do sự thay đổi đáng kể của thị trường.)
Giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc
Một trong những nhà quản lý hàng đầu về tư vấn tuyển dụng cho các doanh nghiệp ở New York có một quy trình tuyển dụng bao gồm tối thiểu 25 cuộc phỏng vấn. Nhờ vậy, doanh nghiệp này đã tuyển dụng được các nhân viên xuất sắc. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc gần như bằng 0. Các giám đốc điều hành có kinh nghiệm của công ty đã tham gia vào tất cả các buổi phỏng vấn cuối cùng, thậm chí cả các cuộc phỏng vấn cho vị trí nhân viên lễ tân. Vì cẩn trọng trong việc tuyển chọn nên họ đã có những nhân viên ở lại làm việc cho công ty suốt 20, 30, và 40 năm.
Không có bí quyết tuyển dụng nhân viên nào tốt hơn quy trình phỏng vấn nhiều lần. Nếu bạn không sử dụng quy trình phỏng vấn nhiều lần, bạn sẽ tuyển vào những nhân viên sẵn sàng quay lưng đi vì một công ty khác. Vì thế, hãy cẩn trọng hơn khi xem xét hồ sơ ứng viên bằng cách phỏng vấn họ nhiều lần.
Sau nhiều lần phỏng vấn, hãy tập hợp mọi người để thảo luận về ứng viên. Thông thường, những ứng viên tôi đánh giá xuất sắc hóa ra lại là những chọn lưaj tồi tệ. Một lần, tôi định tuyển dụng một quản lý có nhiều kinh nghiệm cho một vị trí quan trọng. Nhưng khi các nhân viên của tôi tiếp xúc với anh ta, họ đã cho tôi những đánh giá và còn nhất quyết phản đối việc anh ta có bất cứ liên hệ nào với công ty của chúng tôi.
Đừng bao giờ chỉ dựa vào đánh giá của riêng bạn. Hãy để càng nhiều người tham gia vào quy trình phỏng vấn càng tốt. Hãy để ít nhất ba người khác nhau mà bạn tin tưởng tham gia phỏng vấn ứng viên và bạn cần tôn trọng ý kiến của họ.
Quy trình phỏng vấn nhóm
Quy trình phỏng vấn nhóm của Southwest Airlines rất nổi tiếng. Công ty này mời một nhóm các ứng viên đến cuộc họp và người phỏng vấn ở đây đảm nhiệm việc đặt ra một chuỗi các câu hỏi cho ứng viên. Những câu hỏi này có thể khá chung chung như:
“Bạn thích nhất bộ phim nào, và vì sao?”
“Tại sao bạn muốn làm việc cho công ty của chúng tôi?”
“Bạn phải làm gì để chứng tỏ bạn là l a chọn xuất sắc cho công ty?”
“Trải nghiệm cuộc sống quan trọng nhất của bạn là gì, và nó đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào?”
Mục đích của quá trình này là tạo điều kiện cho các ứng viên vừa trao đổi vừa lắng nghe những người khác. Những gì mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm không phải câu trả lời tốt hay không tốt mà là sự tương tác giữa các ứng viên tiềm năng với nhau. Họ có cười, lắng nghe, hoan nghênh hay khuyến khích những người khác khi họ trả lời những câu hỏi này không, hay họ chỉ ngồi đó và chờ đến lượt mình?
Southwest đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên kỹ năng tương tác của các ứng viên, chứ không phải câu trả lời của họ. Đây là phương pháp làm việc mang lại hiệu quả cao cho công ty. Còn bạn sử dụng phương pháp tuyển dụng gì?